1. Tăng
trưởng kinh tế
Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố, năm
2014 là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm (2011-2015), tăng trưởng kinh tế
không chỉ về đích mà còn vượt kế hoạch. So với kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng
kinh tế 5,8% mà Quốc hội đưa ra thì năm 2014 đạt 5,98% quả là con số đáng mừng
cho nền kinh tế Việt Nam. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng trưởng
5,25% của năm 2012 và 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền
kinh tế trước bối cảnh chính trị có nhiều bất ổn khi Trung Quốc hạ đặt giàn
khoan trái phép HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế lãnh thổ Việt Nam. Mức tăng
trưởng có dấu hiệu hồi phục này đã giúp cho nền kinh tế vĩ mô có được sự ổn định
- mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm nay, đặc biệt là sau khi lạm
phát lên tới trên 20% trong năm 2008 - năm đầu tiên Việt Nam chịu tác động của
khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Con số tăng trưởng 5,98% được Tổng Cục Thống kê
chính thức công bố đã khiến giới chuyên gia không khỏi bất ngờ.
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2004-2014 (đơn vị: %). Nguồn: Tổng
Cục Thống kê 2014
2. Xuất nhập
khẩu
Xuất khẩu được đánh giá là thành tựu nổi bật nhất
của Việt Nam sau 40 năm thống nhất, giang sơn thu về một mối. Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình
quân năm về xuất, nhập khẩu năm 2014 so với năm 1976. Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân năm của tổng
xuất khẩu và xuất khẩu bình quân đầu người đều rất cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2014 đã đạt trên 150 tỷ USD, cao gấp 674,7 lần năm 1976, bình quân một năm tăng 18,7% - cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của GDP (8,3 lần và 5,72%/năm). Kim ngạch xuất khẩu tăng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế, góp phần làm cho một số mặt hàng sản xuất đã vượt nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Có nguyên nhân do việc hội nhập, với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa về ngoại giao, đầu tư, thương mại… Năm 2015 nếu tăng 10% như chỉ tiêu kế hoạch đề ra, thì tổng kim ngạch xuất khẩu vượt qua mốc 165 tỷ USD, đạt kỷ lục mới và vượt xa mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm (128 tỷ USD). Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.655 USD, cao gấp 376,2 lần. Năm 2014 có 23 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (Điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, gạo, xơ, sợi dệt, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, sản phẩm từ chất dẻo, sắt thép các loại, hạt điều, cao su, sản phẩm từ sắt thép, rau quả, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn). Quý I/2015 đã có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Cơ cấu mặt hàng mấy năm nay đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ trên một nửa năm 2000 xuống còn khoảng một phần ba năm 2014), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ dưới một nửa lên trên hai phần ba); trong hàng chế biến hoặc đã tinh chế thì hàng có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao hơn (như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…) tăng cao hơn.
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2014
đã đạt 89,3%, cao gấp 17,9 lần năm 1985 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu
tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 159,5%; nếu tính cả xuất nhập khẩu dịch vụ
thì đạt 173,4%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới. Điều đó chứng
tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng.
Hàng hóa của Việt Nam năm 2014 đã có mặt ở 170 nước
và vùng lãnh thổ trên thế giới, gấp 5 lần năm 1986, trong đó có 28 nước và vùng
lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Mỹ, Nhật Bản, CHND Trung Hoa, Hàn Quốc,
Hongkong, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oxtraylia, Malaysia, Hà Lan,
Anh, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Áo, Italia, Campuchia, Ấn Độ, Tây Ban Nha,
Pháp, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Canađa, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil,
Mexico. Quý I/2015 đã có 8 thị trường.
Xuất khẩu dịch vụ năm 2014 đạt 11 tỷ USD, cao gấp
gần 2,6 lần năm 2005, bình quân một năm tăng 11,1%, là tốc độ khá cao. Khả năng
quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói
chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu, rộng hơn.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về xuất nhập
khẩu hiện còn những hạn chế, bất cập đứng trước những thách thức không nhỏ. Kim
ngạch xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng khá, nhưng giá trị gia tăng không
cao, thực thu ngoại tệ không lớn do tỷ trọng hàng thô, mới sơ chế hoặc hàng gia
công, lắp ráp còn cao. Trong hai khu vực, khu vực kinh tế trong nước tăng thấp,
chiếm tỷ trọng thấp và giảm. Khu vực FDI xuất siêu lớn, còn khu vực kinh tế
trong nước nhập siêu lớn. Nhập siêu rất lớn từ CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Đài
Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore. Xuất khẩu dịch vụ còn chiếm tỷ trọng nhỏ
trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (năm 2014 chiếm 6,8%); nhập
siêu dịch vụ lớn (năm 2014 là 4 tỷ USD), trong đó nhập siêu về dịch vụ vận tải
rất lớn.
Việt Nam cần đón cơ hội tham gia AFTA mới, trong
đó có TPP, AEC để tranh thủ cơ hội, vừa tăng được kim ngạch xuất khẩu, vừa giảm
được nhập siêu. Nhưng nếu không nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
thì có thể bị thua trên sân nhà.
3. Đầu tư
nước ngoài
Việt Nam thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (1987)
trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn phát triển ở mức rất thấp, cơ sở hạ tầng
nghèo nàn, khoa học và công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực dồi dào nhưng phần lớn
trong lĩnh vực nông nghiệp và chưa qua đào tạo. Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước
ngoài (nay là Luật Đầu tư năm 2005) đến nay, FDI đã góp phần
tích luỹ vốn và tăng thu ngân sách cho Việt Nam. Thời kỳ 1996-2000, không kể
nguồn thu từ dầu thô, các doanh nghiệp có vốn FDI đã nộp ngân sách đạt 1,49 tỷ
USD. Trong 5 năm 2001-2005, thu ngân sách từ khối doanh nghiệp có vốn FDI đạt
hơn 3,6 tỷ USD, tăng bình quân 24%/năm. Riêng hai năm 2006-2007 khu vực có vốn
FDI đã nộp ngân sách trên 3 tỷ USD, gấp đôi thời kỳ 1996-2000 và bằng 83% thời
kỳ 2001-2005. Tính đến hết tháng 6.2009, Việt Nam có 10.409 dự án FDI với tổng
mức vốn đầu tư đăng ký hơn 164,6 tỷ USD1.
Tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề là một trong
những đóng góp quan trọng của khu vực FDI. Tính đến năm 2007, doanh nghiệp có vốn
FDI đã tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động trực tiếp, trong đó nhiều lao động
đã được đào tạo ở nước ngoài.
Một trong những đóng góp quan trọng nữa của khu vực
FDI là chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp có vốn
FDI luôn đi kèm với đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, nhờ đó đã góp phần hình
thành một đội ngũ các cán bộ, công nhân có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao. Đối
với một số khâu chủ yếu của dây chuyền công nghệ đặc thù, lao động Việt Nam sau
khi được tuyển dụng đều được đưa đi bồi dưỡng kỹ thuật và tay nghề tại các công
ty mẹ ở nước ngoài. Đến nay, hầu hết các công nghệ tiên tiến và đội ngũ công
nhân kỹ thuật cao đều tập trung chủ yếu trong khu vực có vốn FDI.
Ngoài ra, FDI cũng góp phần mở rộng hợp tác đầu
tư với các nước và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc
biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tính đến hết
tháng 6.2009, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam2. Trong số
96 tập đoàn của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam có 81 tập đoàn
đứng trong danh sách “Global 500” do Tạp chí Fortune bình chọn. Các tập đoàn đa
quốc gia có khoảng 300 dự án đầu tư tại Việt Nam. Với công nghệ cao, tiềm lực
tài chính mạnh, các tập đoàn này đã đầu tư các dự án tập trung vào các lĩnh vực
quan trọng của nền kinh tế Việt Nam như: Công nghiệp dầu khí, ngân hàng, công
nghiệp điện tử – viễn thông.
Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2014 vẫn
đạt trên 20 tỷ USD và vốn giải ngân lên tới 12,35 tỷ USD. Đó là minh chứng rõ
nét cho lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với điểm đến Việt Nam khi trong
năm 2014 xảy ra một vài sự kiện gây lo lắng cho các nhà đầu tư quốc tế như việc
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,…
nhưng bằng các hành động quyết liệt của Chính phủ
Việt Nam trong xử lý sự cố, bao gồm cả các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư bị
thiệt hại và đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham
dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 (tháng 6/2014), với cam
kết đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng nhà đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam vẫn
chảy theo quỹ đạo cũ.
Ngoài
ra, trong thời gian gần đây, dư luận - trong đó có Báo Đầu tư - đã
nhắc rất nhiều đến xu hướng các tập đoàn như Microsoft, LG, Intel… đang muốn
biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất mới của mình.
Chưa kể, có thể kể hàng loạt
dự án đầu tư khác cũng đã và đang được triển khai tại Việt Nam. Chẳng hạn, hai
dự án có vốn đầu tư hơn 500 triệu USD của Texhong ở Quảng Ninh; hay Dự án tăng
vốn thêm 170,76 triệu USD, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lên 261,2 triệu USD, của
Tập đoàn Coca-Cola ở Hà Nội...
Phép thử của lòng tin đã có
cái kết có hậu. Tính đến giữa tháng 12/2014, vẫn có hơn 20 tỷ USD vốn FDI đăng
ký đầu tư vào Việt Nam. Con số này tuy thấp hơn so cùng kỳ năm 2013, song phân
tích kỹ, thì vốn đăng ký mới vẫn đạt 15,64 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm trước
đó. Chỉ có vốn tăng thêm là giảm 37,6%, đạt 4,58 tỷ USD, mà chủ yếu là do năm
2013, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng vốn rất lớn (2,8 tỷ USD). Trong khi đó,
vốn giải ngân lên tới 12,35 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay.
“Việc vốn FDI thực hiện liên
tục tăng kể từ đầu năm và số dự án cấp mới lẫn tăng vốn đều tăng so với cùng kỳ
trong thời gian gần đây cho thấy dấu hiệu tích cực trong thu hút FDI của Việt
Nam. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, kinh doanh
của Việt Nam đã có những cải thiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bình luận.
Luồng
vốn lớn đang chờ được khơi thông
Việt Nam đã có một năm thành
công trong thu hút FDI, không chỉ về lượng, mà cả về chất, khi thu hút ngày
càng nhiều dự án công nghệ cao. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng
cho thấy, khu vực FDI ngày càng có những đóng góp quan trọng cho phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Năm 2014, khu vực FDI đã xuất
khẩu gần 101,6 tỷ USD, tăng 15,2% và chiếm 67,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả
nước. “Doanh nghiệp FDI đã thực sự tận dụng được những ưu thế của hội nhập quốc
tế và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, TS. Lê Đăng
Doanh, chuyên gia kinh tế nhận xét.
Vai trò của khu vực FDI tới
đây sẽ còn lớn hơn nữa, khi các động thái gần đây cho thấy, một luồng vốn FDI
lớn vẫn đang chờ để đổ vào Việt Nam. Việc Việt Nam vừa sửa đổi Luật Đầu tư,
Luật Doanh nghiệp, cũng như chuẩn bị tham gia một loạt hiệp định thương mại tự
do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan và đặc biệt
là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là cơ hội rất lớn để
thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.
Chưa có thông tin cụ thể về
khả năng thu hút FDI năm 2015, song nhìn vào động thái gần đây ở một loạt dự án
lớn, có thể kỳ vọng về một sự khởi sắc trong năm nay.
Không tính các dự án quy mô
lớn khác, chỉ kể Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), vốn đầu tư 22
tỷ USD, nếu dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, thì vốn FDI đăng ký mới sẽ
vọt lên nhanh chóng.
Chưa kể, nhiều thông tin gần
đây cho thấy, Tập đoàn Samsung cũng đang lên kế hoạch nhảy vào ngành đóng tàu,
xây nhà máy điện, làm sân bay ở Việt Nam. Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 đã được
Chính phủ Việt Nam giao cho Samsung C&T, với vốn đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD…
“Vẫn còn 9 dự án BOT đang nằm
chờ”, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nhiều lần nhắc
tới thời gian gần đây.
Các dự án đó đều có vốn đầu
tư hàng tỷ USD. Chỉ cần một trong số đó được cấp phép đầu tư, thì vốn FDI trong
năm 2015 hoàn toàn có thể xác lập con số “đỉnh cao”.
Quan trọng hơn, không chỉ là
những con số, các dự án FDI đổ vào Việt Nam gần đây đều theo đúng định hướng mà
Chính phủ Việt Nam mong muốn, đó là công nghệ cao, năng lượng, chế biến-chế
tạo…
Thêm một lần nữa, phép thử
của lòng tin đã được khẳng định.
4. Lạm
phát
Đà tăng của giá hàng hoá và dịch vụ trong năm
2013 chậm hơn so với các năm 2008, 2010, 2011 và tương đương với giai đoạn lạm
phát vừa phải từ 2005 đến 2007. Tuy nhiên, lạm phát thấp trong năm 2013 không
đi liền với tốc độ tăng trưởng trên 7% như giai đoạn trước.
Cho tới nay, cùng với những dấu hiệu tích cực về
tăng trưởng kinh tế, lạm phát được kiểm soát gần mức 6%, đây là một thành công
trong việc duy trì mức lạm phát của Việt Nam ổn định trong 2 năm liên tiếp. Mặc
dù mức lạm phát này của Việt Nam vẫn được coi là khá cao trong khu vực ASEAN,
nhưng nhìn tổng thể trong giai đoạn 2011-2014 điều này thể hiện nỗ lực rất lớn
của Việt Nam trong việc kiểm soát giá cả.
Thành công trong việc điều chỉnh chỉ số giá tiêu
dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát
Trong 4 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã được
cải thiện và tương đối ổn định. Lạm phát đã giảm từ mức 2 con số năm 2011
(18,13%) xuống mức 1 con số (6,81% năm 2012 và 4,09% trong năm 2014). Năm 2011,
lạm phát của Việt Nam ở mức 18,13%, cao nhất kể từ năm 2008. Đây cũng là mức
cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN, cao gấp 2,4 lần của Lào, nước có
mức lạm phát cao thứ 2. Nguyên nhân lạm phát cao là do giá cả nguyên liệu đầu
vào sản xuất như xăng, dầu(+20%), điện (+15,28%) tăng cao, tỷ giá USD/VND tăng
mạnh (+9,3%), điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng, khiến cho CPI tháng 4 so với
tháng trước đạt mức kỷ lục 3,32% và CPI tháng 8 so với cùng kỳ năm trước đạt mức
cao nhất (23,02%).
Nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ, tỷ
lệ lạm phát liên tục giảm vào năm 2012 và 2013. Lạm phát được giảm xuống hơn
2,5 lần, chỉ còn 6,81% năm 2012, và giảm 3 lần xuống còn 5,92% trong 10 tháng
năm 2013 và dự báo cả năm 2013 chỉ ở mức 6,5-7,0%. Trong giai đoạn 2012-2013,
CPI tăng cao nhất vào tháng 1/2012 (17,27%) và thấp nhất vào tháng 8/2012
(5,04%) so với cùng kỳ năm trước. Trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước
thực hiện kiểm soát lạm phát có hiệu quả nhất.
Nhận định của các tổ chức quốc tế Các nỗ lực nhằm
kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được các tổ chức
quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng ổn định vĩ
mô Việt Nam đạt được gần đây đã giúp cho Việt Nam vượt qua được những sóng gió,
bất ổn vừa qua của nền kinh tế toàn cầu. Bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, bà đánh giá cao quyết tâm và các chính sách
nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong năm vừa qua và tin tưởng
rằng với chiến lược cải tổ tổng thể đang được thực thi, Việt Nam sẽ vừa đạt được
sự ổn định, vừa hy vọng tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức 5% hiện nay.