Wednesday, December 16, 2015

TỪ HẢI NGOẠI NGHĨ VỀ CÁC "NHÀ DÂN CHỦ"

Nhiều năm trở lại đây, một số tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, nấp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", thường đưa ra nhận xét, đánh giá xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đáng tiếc là việc làm của các tổ chức, cá nhân này lại được một số nhân vật tự nhận là "nhà dân chủ" ở trong nước phụ họa theo. Bức xúc trước vấn đề này, từ Hoa Kỳ, tác giả Trần Mai gửi tới Báo Nhân Dân bài “Từ hải ngoại nghĩ về các "nhà dân chủ"”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
Tôi muốn bàn về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi một số tổ chức phản động cực đoan của người Việt ở nước ngoài và một số phần tử cơ hội ở trong nước được sự "bảo kê" của một số cơ quan truyền thông, một số tổ chức nhân danh "dân chủ, nhân quyền" hỗ trợ tài chính qua các loại "giải thưởng"; từ đó xuyên tạc, bóp méo sự thật, rồi tung hô nhau là "nhà dân chủ" nhằm dễ bề lôi kéo dư luận khi bị pháp luật Việt Nam trừng phạt. Trước đây, tôi từng tranh luận với một người bạn là nhà báo tại Hoa Kỳ về đề tài dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Khi đó, người bạn tôi đang bị cái vòng "kim cô" chống cộng cực đoan (CCCÐ) siết chặt, dù các luận điểm anh đưa ra đều bị bẻ gãy, nhưng anh vẫn "không phục". Tôi nói với anh: "Theo tôi, khi viết bằng tất cả niềm tin vào sự thật thì chắc chắn không ai buộc tội mình được. Không chỉ nhà báo mới có cơ hội tiếp cận sự thật, nhà báo cũng không hẳn phải là người duy nhất vạch ra chân lý. Nhưng lương tâm của người cầm bút là biết hướng dư luận đi tới chân lý, sự thật". Anh bạn tôi lắng nghe, không nói gì.
Tuy sinh sống ở nước ngoài, nhưng là người con của dân tộc Việt Nam nên tôi biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đôi khi có cá nhân, tổ chức đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, thậm chí có người cam tâm phản bội. Gần đây, có người vì bất mãn, hoặc mờ mắt khi được các thế lực thù địch tâng bốc, hứa hẹn, đã bị các tổ chức xấu ở hải ngoại lợi dụng để chống lại Nhà nước Việt Nam, v.v. Tiếc thay, trong đó lại có một vài người được coi là trí thức. Từ việc họ làm, từ lời lẽ họ đưa ra, tôi thấy dường như họ đã trút bỏ những thứ mà gần như cả cuộc đời họ theo đuổi, rồi sám hối về một số việc họ cho là "lỗi lầm". Trong đó có người như là con kỳ nhông, sẵn sàng đổi màu để trở thành "nhà dân chủ", để được các thế lực thù địch ngợi ca, đưa ảnh lên in-tơ-nét như là"anh hùng", được nhắc tới tên trong thông báo hay lời kêu gọi của các tổ chức chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam. Theo dõi trên các phương tiện truyền thông ở hải ngoại, những người Việt luôn hướng về Tổ quốc như chúng tôi đã thấy họ chỉ là những con người cơ hội. Ðối với họ, quá khứ đau thương của dân tộc đã không còn ý nghĩa, mà tương lai cuộc "đấu tranh" của họ thì lại mơ hồ và ảo vọng; nếu thời thế đổi thay, có khi họ lại biến hình thành người khác!
Trước tiên, xin điểm qua mấy "nhà dân chủ, nhân quyền" ở hải ngoại, đó là người mà dân thường như chúng tôi vẫn gọi là các ông bà "mặt trơ trán bóng". Họ là người có bề dày "thành tích bất hảo", thành thạo trong việc vu khống, chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có người mấy chục năm nay chỉ làm cái việc xấu xa là lập ra các "tổ chức ma" để lừa bịp và quyên góp tiền bạc của người Việt không có điều kiện tìm hiểu hiện tình đất nước. Có thể kể ra Nguyễn Ngọc Bích, Võ Văn Ái, Nguyễn Tường Bách, rồi Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Hữu Lễ, Phạm Ngọc Lũy, Nguyễn Quốc Quân,... Những người này đã hợp bè kết đảng với nhau, tự xưng là "mạng lưới nhân quyền Việt Nam". Họ tiến hành vô số hoạt động CCCÐ, hằng năm trao "giải thưởng nhân quyền" cho các phần tử chống đối ở quốc nội. Các giải này được trao theo kiểu "anh trước em sau", người nào rồi cũng có. Người nhận giải là các nhân vật có hành vi vi phạm pháp luật đã bị Tòa án Nhân dân tuyên án, như Trần Anh Kim, Ðỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần,... Không phải bà con ở hải ngoại không biết họ là ai, chúng tôi biết họ chỉ là mấy "nhà dân chủ cuội" và đã có rất nhiều ý kiến vạch rõ bản chất của họ, cùng những lời phê phán họ trên các phương tiện truyền thông ở hải ngoại.
Theo chỗ tôi được biết, hiện nay trên thế giới có hai cách tiếp cận quyền con người: Thứ nhất, nhân quyền là quyền tự nhiên, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người; Thứ hai, quyền con người không phải là bẩm sinh và vốn có, mà phải do nhà nước quy định trong pháp luật; và đây là quan điểm đã được phần lớn các quốc gia trên thế giới vận dụng trong khi thực thi quyền con người. Ðiều này là đúng đắn, cần thiết, bởi đối với các chế độ chính trị - xã hội đề cao quyền con người, ngoài yêu cầu về tính văn hóa, mà trước hết và trực tiếp là các chuẩn mực đạo đức, việc mỗi người thực thi quyền của mình như thế nào để không làm ảnh hưởng tới quyền của người khác, việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, việc hạn chế các cơ quan hành pháp, cá nhân có trách nhiệm có thể vi phạm quyền con người,... phải được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Về vấn đề này, ngài Sérgio Vieira De Mello, nguyên Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, người đã tử nạn khi đang làm việc tại Iraq năm 2003, từng phát biểu: "Văn hóa nhân quyền có được sức mạnh lớn nhất từ những mong muốn và hiểu biết của mỗi cá nhân. Trách nhiệm bảo vệ nhân quyền thuộc về các nhà nước. Nhưng chính những hiểu biết, tôn trọng, mong muốn về nhân quyền của mỗi cá nhân là điều mang lại kết cấu và sức bật hằng ngày cho nhân quyền".
Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, nhân quyền luôn là vấn đề được các chế độ chính trị - xã hội quan tâm, song không phải chế độ chính trị - xã hội nào cũng thật sự quan tâm bảo đảm về nhân quyền. Các "nhà dân chủ" trong nước thử nhìn sang những nước khác, bên một số ít quốc gia ở Bắc Âu có sự quan tâm nhất định, thì tại nhiều nước khác, việc vi phạm nhân quyền, chà đạp lên quyền con người,... vẫn khá phổ biến. Ngay tại Mỹ, nơi chúng tôi đang sống, nhân quyền nhiều khi cũng chỉ là câu khẩu hiệu, bởi tình trạng phân biệt chủng tộc, tình trạng bạo lực trong trường học, việc xả súng bừa bãi,... vẫn tồn tại trong thời gian dài. Chẳng hạn theo số liệu của FBI, mỗi năm ở Mỹ có tới 30 nghìn người bị chết do các vụ bạo lực liên quan đến súng. Các "nhà dân chủ" ở quốc nội nên hiểu rằng, quốc gia có mô hình xã hội mà họ muốn mô phỏng và xây dựng ở Việt Nam, lúc nào cũng sử dụng trò chơi hai mặt, họ chỉ bảo vệ quyền lợi của họ mà thôi. Hình như các"nhà dân chủ" ở quốc nội không thật sự hiểu được những lời ban tặng từ hải ngoại, để rồi biến mình thành con rối đáng thương. Vâng, nếu đất nước không có dân chủ và nhân quyền, người gốc Việt từ khắp năm châu đã không trở về nước làm ăn, sinh sống. Bản thân tôi cũng vậy, vì công việc và gia đình nên tôi không thể như người khác, nhưng hằng năm tôi vẫn trở về, và được tận mắt chứng kiến bao sự đổi thay trên quê hương, đất nước. Ðể nhìn rõ tính khách quan của vấn đề, tôi dẫn lại kết quả nghiên cứu của Viện Phát triển quốc tế Harvard thuộc Ðại học Harvard (Hoa Kỳ) sau khi khảo sát Việt Nam, nhà nghiên cứu Dam Fforde đánh giá:"Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng. Lên nắm quyền qua chiến tranh và cách mạng chứ không phải do lực lượng bên ngoài áp đặt, năm 1975, Ðảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Sau ba thập kỷ đấu tranh, Ðảng đã loại mọi đối thủ và khôi phục Việt Nam thành một nước độc lập và thống nhất. Ban lãnh đạo của Ðảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, đảng viên của Ðảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, đó là một đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng".
Ðương nhiên, chúng tôi cũng hiểu rõ những thách thức mà Ðảng Cộng sản Việt Nam có thể gặp phải trong vai trò là đảng cầm quyền. Một vấn đề khách quan luôn có thể đặt ra với bất kỳ đảng cầm quyền nào, là khả năng bị tha hóa bởi lạm quyền và quan liêu hóa. Ở hải ngoại, theo dõi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gần đây là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), chúng tôi thấy Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục chứng tỏ sự nghiêm túc khi nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu khuyết điểm và hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp cấp bách và cơ bản để khắc phục, đưa đất nước đi lên. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi thấy rất rõ sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước khi Ðảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm tiến hành các giải pháp cấp bách, cơ bản để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Nhiều hành động công khai và minh bạch đã được tiến hành, thể hiện quyết tâm lớn trong chống tiêu cực, tham nhũng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Ðó là thông điệp rõ ràng, báo hiệu sự chuyển mình mạnh mẽ vì quyền lực và lợi ích của nhân dân, vì một nền dân chủ rộng rãi cho mọi người. Chúng tôi hiểu, việc một số tổ chức, cá nhân đặt vấn đề Việt Nam vi phạm quyền con người và đàn áp người bất đồng chính kiến, cần thực hiện "tam quyền phân lập",... thực chất là vu khống, xuyên tạc, thiếu thiện chí, không phản ánh đúng đắn tình hình trong nước thời gian qua. Trước sự thật không thể bác bỏ ấy, chúng tôi nghĩ, nếu các "nhà dân chủ" ở trong nước thực tâm mong muốn xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước được giữ vững, mọi người đều được tạo điều kiện để phát triển,... thì nên làm những việc ích nước, lợi dân. Hãy cống hiến và cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường. Hãy là người Việt Nam chân chính để chúng tôi có thể học hỏi và noi theo./. 

Tác giả: TRẦN MAI (Hoa Kỳ)
Nguồn: nhandan.com.vn