Bài viết đưa ra những lập luận, dẫn chứng từ thực tiễn cũng
như trích dẫn một số ý kiến đánh giá khách
quan của cộng động quốc tế về vai trò lãnh đạo của Đảng
CSVN đối với các thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước để phản bác các
luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Đảng.
Phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch,
nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân
dân ta. Tuy nhiên, thực tiễn 85 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
là không thể bác bỏ.
Mục
tiêu nhất quán, thủ đoạn thâm độc
Trong
chiến lược “Diễn biến hòa bình”, mục tiêu nhất quán của các thế lực thù địch là
xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) đối với cách mạng Việt Nam. Mưu đồ
đó đã được họ tiến hành từ lâu và tiếp tục trong tương lai, với hy vọng rằng:
“Kịch bản này đã thành công ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, ắt sẽ có ngày
thắng lợi ở Việt Nam” (!) Hòng thực hiện điều đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn
thâm hiểm.
Về
lý luận, họ tung ra luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập tốt hơn chế độ một đảng lãnh đạo”. Họ cố chứng minh rằng: “chế độ một đảng
duy nhất lãnh đạo là đối lập với dân chủ, đồng nhất với độc tài, cản trở sự
phát triển”, còn “đa nguyên, đa đảng sẽ khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt
hơn cho sự phát triển của xã hội” (?) Họ cố tình lờ đi một thực tế là dân chủ
không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, mà phụ thuộc vào bản chất
chính trị của đảng cầm quyền, như: ở In-đô-nê-xi-a thời chính quyền Xu-hac-tô,
Phi-líp-pin thời chính quyền Fec-di-nan Mac-cot, Chi-lê thời chính quyền
Pi-nô-chê,... chẳng phải là các chế độ độc tài tồn tại trong môi trường chính
trị đa đảng sao? Tuy nhiên, luận thuyết ấy được áp dụng vào Liên Xô và các nước
XHCN ở Đông Âu, nó đã mê hoặc được không ít đảng viên cộng sản và quần chúng
nhân dân, nhất là khi nhân dân hoang mang, dao động trước những khó khăn của
đất nước; bức xúc trước những khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của
Nhà nước. Luận thuyết ấy đã góp phần gạt bỏ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội
của các ĐCS và công nhân ở những nước này, là nhân tố quyết định dẫn đến sự tan
rã chế độ XHCN nơi đây. Chính vì thế, các thế lực thù địch hy vọng luận thuyết
trên sẽ phát huy tác dụng ở Việt Nam (!)
Trên
bình diện thực tiễn, các thế lực thù địch thường viện
dẫn và xuyên tạc sự thật lịch sử để cố chứng minh chế độ một đảng lãnh đạo là
“sai lầm”. Họ cho rằng, nếu không có ĐCS Việt Nam trên chính trường thì dân tộc
ta không phải tiến hành mấy cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế; và
rằng, nếu ĐCS Việt Nam không “tiếm quyền” thì Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ
các nước phát triển từ lâu (!) Những năm gần đây, họ thường cường điệu một số
hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước,
nhất là một số hiện tượng đơn lẻ, biến nó thành phổ biến, tất yếu của chế độ
một đảng lãnh đạo, rồi quy kết vào cái gọi là “lỗi hệ thống” - ám chỉ hệ thống
chính trị do một đảng lãnh đạo. Từ đây, họ yêu cầu Đảng tự nguyện rời bỏ vai
trò lãnh đạo, vì theo họ: “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong
xây dựng kinh tế thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”(!) Trong các
thời điểm nhạy cảm, như: khi Liên Xô tan rã, giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng
các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc, hoặc những thời đoạn kinh tế đất
nước gặp khó khăn; gần đây là dịp thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, họ
công khai đòi bỏ Điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và
xã hội. Điều nguy hiểm là những thủ đoạn nói trên của các phần tử cơ hội, bất
mãn trong nước lại được các thế lực chống cộng bên ngoài cổ súy, tiếp tay, nhằm
thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội ta. Tuy nhiên,
những thủ đoạn thâm hiểm đó nhanh chóng bị vạch trần, bởi đại đa số nhân dân
hiểu rằng: sự lãnh đạo của ĐCS là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam; các mưu toan xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam là trái
với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước.
Thực
tiễn là chân lý
Lịch
sử luôn khách quan, là hiện thực sống động nhất bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai
trò lãnh đạo của Đảng. Điểm lại lịch sử cách mạng nước ta từ cuối thế kỷ XIX,
đầu thế kỷ XX có thể thấy rõ: trước khi ĐCS Việt Nam ra đời, không cam chịu ách
thống trị của thực dân Pháp, nhân dân cả nước đã liên tục vùng lên đấu tranh
dưới các ngọn cờ lãnh đạo theo hệ tư tưởng phong kiến, hay lập trường nông dân,
tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Đó là các phong trào: Cần Vương, khởi nghĩa nông
dân Yên Thế, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, các phong trào Đông
Du, Tây Du, cuộc khởi nghĩa Yên Bái, v.v. Mặc dù các phong trào đó sáng ngời
tinh thần yêu nước, bất khuất, nhưng đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại.
Cũng chính thời gian này, hàng loạt tổ chức đảng phái chính trị ra đời, như:
Hội Phục Việt (năm 1925), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927),... với nhiều
cương lĩnh chính trị khác nhau, nhằm chiếm lĩnh vũ đài lịch sử, nhưng tất cả
những ngọn cờ này đều nhanh chóng bị hạ xuống ngoài ý muốn của họ. Tại sao vậy?
Bởi, các ngọn cờ đã nêu không phù hợp với xu thế thời đại, không thỏa mãn được
lợi ích và nguyện vọng chính đáng của cả dân tộc. Chỉ đến khi ĐCS Việt Nam ra
đời, với đường lối cứu nước đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và
CNXH, Đảng đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước, đánh dấu sự
kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Vậy là,
lịch sử cách mạng Việt Nam đã trao trọng trách lãnh đạo đất nước cho Đảng ta,
sau khi đã khảo nghiệm một cách khắt khe những phương án chính trị của các giai
cấp đương thời, chứ đâu phải là “tiếm quyền” như sự xuyên tạc của những kẻ cơ
hội. Đảng ta xứng đáng được lịch sử giao trọng trách vinh quang đó, bởi Đảng ta
là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân
dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”1. Đó là điều mà không
một đảng phái nào khác trong lịch sử Việt Nam, ngoài ĐCS Việt Nam, có thể gánh
vác nổi. Thực tiễn 85 năm qua minh chứng rằng, dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt
Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, “Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở
thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta
từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất
nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh
CNH,HĐH”2. Việc nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO; là
Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009;
Ủy viên Hội đồng Nhân quyền thế giới hiện nay; Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013
- 2017; hàng loạt chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước
đến một số nước Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Va-ti-can,… theo lời
mời của nguyên thủ các nước này với những nghi thức chào đón trọng thị, đã
khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam và ĐCS Việt Nam trên
trường quốc tế. Mấy năm gần đây, trước tác động của tình trạng suy thoái kinh
tế thế giới, trong khi nhiều nước không giữ được sự ổn định, thì tình hình kinh
tế - xã hội Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực và thế giới. Riêng trong
năm 2014, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc
phòng, an ninh và đối ngoại vẫn đạt được những kết quả tích cực: tăng trưởng
5,98%; lạm phát 4,09%; xuất khẩu tăng 13,6% với kim ngạch đạt kỷ lục hơn 150 tỷ
USD; tổng thu ngân sách nhà nước vượt 4%; hộ nghèo giảm còn gần 6%; “đời sống
nhân dân tiếp tục được cải thiện; chủ quyền quốc gia được bảo đảm; chính trị xã
hội ổn định; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên”3.
Điều đáng mừng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư
của nước ta tiếp tục được giữ vững. Vốn FDI thực hiện cả năm 2014 vẫn tăng
7,4%, số dự án cấp mới tăng 24,5%, số lượt dự án tăng vốn tăng 25,8% so với năm
trước. Xu hướng được dự báo là các nhà đầu tư lớn trên thế giới sẽ dịch chuyển
về Việt Nam để đón đầu cơ hội triển khai các hiệp định tự do thương mại (FTA)
mà Việt Nam đã, hoặc sẽ hoàn thành đàm phán trong năm 2015. Những thành tựu đó
đều gắn liền với sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam và là minh chứng thuyết phục về
năng lực lãnh đạo của ĐCS Việt Nam trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập.
Tiếng
nói khách quan của cộng đồng quốc tế
Đánh
giá những thành tựu trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam,
nhân kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ (tháng
10-2013), bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Hai
mươi năm qua đã chứng kiến những tiến bộ phát triển vượt bậc của Việt Nam. Ngày
nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58%
năm 1993 xuống còn khoảng 10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các
chỉ số phúc lợi xã hội hiện nay cao hơn phần lớn các nước có mức thu nhập cao
hơn. Phần lớn người dân Việt Nam được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ tử vong
ở bà mẹ khi sinh ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. 95%
số dân nông thôn Việt Nam có điện lưới, so với 83% ở Phi-lip-pin và 74% ở
In-đô-nê-xi-a. Việt Nam đã đạt được năm trong số tám Mục tiêu Phát triển Thiên
niên kỷ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt hai mục tiêu nữa vào
năm 2015. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ sáu trên toàn cầu về tiến triển hoàn
thành MDGs. Có thể nói, những thành tựu của Việt Nam trong 20 năm qua là rất
nổi bật; mà thành công có được đầu tiên là nhờ vào tầm nhìn và quyết tâm của
lãnh đạo Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó và khởi nghiệp của người dân
Việt Nam”. Trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu (HDR) 2014, Trưởng đại
diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho
biết: “Việt Nam là một trong những nước rất năng động và đạt được tiến bộ HDR rất
nhanh. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) đã tăng 41% trong vòng
hai thập kỷ qua. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 127/187 quốc gia và vùng lãnh thổ;
năm 2014 tiến lên đứng thứ 121, ở mức trung bình của thế giới”. Còn trong lĩnh
vực dân chủ, nhân quyền, lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường chỉ trích, đổ
lỗi cho chế độ một đảng lãnh đạo, mà họ gọi là chế độ “toàn trị”, thì Việt Nam
cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc và Hội đồng Nhân quyền thế giới với số phiếu gần như tuyệt đối, không đơn
thuần chỉ là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về vấn đề quyền con người được
bảo đảm, mà còn là sự ghi nhận thành quả đổi mới toàn diện của Việt Nam dưới sự
lãnh đạo của ĐCS đã đưa đất nước này trở thành một quốc gia có vị trí quan
trọng, được quốc tế tin cậy. Chính ông Lê Vũ - Chủ nhiệm tuần báo Viet WEEKLY ở
nam Ca-li-fooc-ni-a (Hoa Kỳ), một tờ báo hay chỉ trích Chính phủ Việt Nam,
trong chuyến về thăm Việt Nam gần đây cho biết: “Tôi không có cảm nhận rằng, Việt
Nam là một đất nước đang có đàn áp tôn giáo và nhân quyền như nhiều nguồn tin
hải ngoại. Trái lại, tôi thấy ở đất nước đang phát triển, đổi thay từng ngày,
từng giờ. Đất nước có thật nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn”. Còn Tổng Thư ký tòa
soạn tuần báo trên, ông Etcetera Nguyễn thì cho rằng: “Những hình ảnh về đất
nước, con người và xã hội Việt Nam sống động, tươi mát và phát triển như ngày
nay, chúng tôi chuyển tải qua trang báo của chúng tôi về nước. Tự nó sẽ là bằng
chứng sống bác bỏ những suy nghĩ và hành động chưa đúng, chưa xác thực về Việt
Nam”, v.v.
Những
phát biểu nói trên cũng chính là sự thừa nhận khách quan của cộng đồng quốc tế
về vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất
nước ngày nay; bởi, những thành tựu đó luôn gắn liền với sự
lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, ở Việt Nam, trong 85 năm qua, các tầng lớp
nhân dân đều thừa nhận sự lãnh đạo độc tôn của ĐCS Việt Nam; đại đa số nhân dân
thực sự coi Đảng là lực lượng lãnh đạo, là người đại biểu trung thành cho lợi
ích của mình. Thực tế đó đã được các nhà nghiên cứu của Viện Phát triển quốc tế
thuộc Trường Đại học Ha-vớt (Hoa Kỳ) nhận xét trong một công trình nghiên cứu
cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA): “Ở Việt Nam, trong tương lai,
khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh
tranh với ĐCS Việt Nam. Hơn nữa, Đảng phải tăng cường hệ thống một đảng không
chỉ vì lý do tư tưởng mà còn hầu hết đảng viên đều tin rằng đường lối chính trị
cạnh tranh sẽ làm trầm trọng thêm những chia rẽ giữa các vùng và làm mất ổn
định chính trị”.
Tiếp
tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Vai
trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam chỉ có thể được giữ vững và tăng cường khi uy tín
của Đảng tiếp tục được khẳng định, niềm tin vào Đảng của nhân dân luôn vững
chắc, hiệu quả lãnh đạo của Đảng không ngừng được tăng lên. Trong thực tiễn,
cũng có thời kỳ Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm do giáo điều, chủ quan, duy ý
chí, vi phạm quy luật khách quan. Song, Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa
chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để nâng cao năng lực lãnh đạo và
sức chiến đấu, tiếp tục lãnh đạo để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Hiện nay,
có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân
đối với Đảng. Nhận rõ thực trạng đó, toàn Đảng đang đẩy mạnh thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay”, cùng Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với một hệ thống giải pháp rất quyết
liệt; đã kỷ luật và đưa ra tòa án xét xử công khai những cán bộ, đảng viên dính
đến tham nhũng, tiêu cực. Kết quả bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ
thị nói trên đã có tác dụng cảnh báo, răn đe và phòng ngừa các hành vi tham
nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn tình trạng trên, củng cố lòng tin của nhân
dân đối với Đảng. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới đòi hỏi
Đảng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà vấn đề cấp
bách trong quá trình tiến tới Đại hội XII hiện nay là: nâng cao bản lĩnh chính
trị, trình độ trí tuệ của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới
hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân
chủ; tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; nâng cao chất lượng và
hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham
nhũng, v.v. Cùng với đó, phải tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng được một Nhà nước
pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân, vì dân.
Xây
dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn ngang tầm nhiệm vụ cách mạng là
vấn đề then chốt để Đảng ta giữ vững vai trò lãnh đạo đối với xã hội. Đó là
cách làm hiệu quả nhất để bác bỏ những mưu toan và hành động phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng.
Tác giả: NGUYỄN NGỌC HỒI
Nguồn: tapchiqptd.vn