Mặc dù kinh tế đất nước còn
không ít khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi công tác giảm nghèo là
một trong những mục tiêu quan trọng. An sinh xã hội và giảm nghèo luôn là một
trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ những năm
qua. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ
thống chính sách về xóa đói giảm nghèo. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược,
quyết định, chính sách quan trọng về công tác xóa đói giảm nghèo đã được ban
hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Có thể kể đến các chương trình
giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006
- 2010; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng
đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn I và giai đoạn II (còn gọi là Chương
trình 135); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện
nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020...
Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được
những kết quả tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nếu năm 1993, Việt
Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với bình quân thu nhập đầu
người chỉ khoảng 100 USD và có các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội thì
hiện nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế
có quy mô gần 154 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.700 USD. Tỷ
lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7,6% vào năm 2013, với hơn
30 triệu người thoát nghèo.
Thông qua thực hiện Chương
trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
giảm từ 47% (năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu người
là 4,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ các xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ
trung tâm xã đến thôn, bản lên tới 80,7%. 2,2 triệu hộ được hỗ trợ giống cây
trồng, vật nuôi; xây dựng được 6.834 mô hình phát triển nông, lâm, ngư
nghiệp...
Sau gần 4 năm thực hiện, tỷ lệ
hộ nghèo ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (năm 2010)
xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Các địa phương đã hỗ
trợ 1.340 lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao
động xuất khẩu lao động qua gần 4 năm lên gần 8.500 người. Các địa phương còn
tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ,
ngoài địa bàn hoặc tham gia xuất khẩu lao động. 225 nghìn hộ được vay vốn với
tổng số tiền 1.122 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để chăn nuôi gia cầm, gia súc,
phát triển ngành nghề...
Có thể khẳng định rằng, Chiến
lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam là đúng đắn, hợp
lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Các chương trình, chính sách
giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã
hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên
của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước
thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này. Kết quả tích cực của
công cuộc xóa đói giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực
hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận và
đánh giá cao thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam
Báo cáo "Khởi đầu tốt
nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và
những thách thức mới" của Ngân hàng thế giới ngày 24/1/2013 đã ghi nhận:
Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống
còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo.
Trong khi đó, theo đánh
giá của Oxfam, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động
trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể
trong công cuộc xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1992
xuống còn 7,6% cuối năm 2013.
Nhiều nước và nhiều tổ chức
quốc tế khác coi Việt Nam là "một điểm sáng thành công" trong xóa đói
giảm nghèo. Ngày 16/6/2013, tại Italia, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO)
đã tổ chức "Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm
nghèo" cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam
là một trong những nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện
các Mục tiêu thiên niên kỷ. Trong năm 2014, Việt Nam đã hoàn thành 90% Mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ về xóa đói giảm nghèo và nằm trong nhóm
18 quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) trao Bằng khen về
xóa đói giảm nghèo và chứng nhận việc sớm đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ
1. Theo đánh giá gần đây nhất của FAO, Việt Nam là một trong những nước đã đạt
được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu
người) giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn
2010 - 2012 và đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ 1.
Tổng Giám đốc của FAO José
Graziano da Silva trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Cao Đức Phát ngày 8/10/2014 tại trụ sở của tổ chức này ở Rome, Italy đánh
giá Việt Nam là một điển hình thành công và đáng khích lệ trong công tác phát
triển nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, thực hiện tốt việc xóa đói giảm
nghèo, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Việt Nam là tấm gương sáng
cho các nước đang phát triển noi theo, trong hoàn cảnh thế giới đang phải đối
phó với biến đổi khí hậu, với những diễn biến phức tạp đe dọa an ninh lương
thực toàn cầu.
Điều phối viên LHQ bà Pratibha
Mehta khẳng định “Ở vị trí một nước có thu nhập trung bình thấp, những thành tựu
giảm nghèo hiện tại là thực sự có ấn tượng”.
(Tổng hợp)