Wednesday, November 25, 2015

Ý NGHĨA CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013

Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được xác lập trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của đất nước mà còn từng bước được ghi nhận trong các Hiến pháp Việt Nam (trong Lời nói đầu Hiến pháp năm 1959, trong Điều 4 Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013). Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến khi trở thành đảng cầm quyền, luôn được Nhà nước và cả xã hội thừa nhận, tôn vinh. Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam với những sửa đổi và bổ sung hoàn chỉnh hơn đã thể hiện những vấn đề cơ bản sau:
1. Tiếp tục khẳng định và bảo đảm bằng Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội
Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới còn gọi là Đồng minh những người cộng sản được thành lập năm 1847 với tuyên ngôn nổi tiếng: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Mác và Ăng-ghen soạn thảo năm 1848, trong đó đã nêu rõ: “giành chính quyền đã trở thành sứ mệnh vĩ đại của giai cấp công nhân”, đảng của giai cấp công nhân phải là đảng cầm quyền. Trên tinh thần đó “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranhlâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân” [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã trở thành đảng cầm quyền ở Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam “giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên CNXH” [2]
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không chỉ quy định các vấn đề liên quan đến thiết chế Nhà nước, mà còn quy định về các tổ chức hỗ trợ cho Nhà nước thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Việc Hiến pháp ghi nhận về Đảng, Mặt trận, Công đoàn... càng tôn vinh thêm vai trò của Đảng cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác trong đời sống nhà nước và xã hội Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, Hiến pháp có quy định hay không quy định thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã, đang và sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Đây là một nhu cầu khách quan, là sự thừa nhận từ phía Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là trách nhiệm mà nhân dân giao phó cho Đảng và đồng thời là sự cam kết của Đảng đối với nhân dân, đất nước. Do vậy, việc tiếp tục quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013 đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Điều này là hợp với ý Đảng, lòng dân trong điều kiện hiện nay: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo, Nhân dân Việt Nam một lòng theo Đảng.
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam không chỉ bởi Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc thành công, giành được chính quyền mà vai trò còn được thể hiện trong quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân chống đế quốc xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước… từng bước mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được tiếp tục ghi nhận bằng Hiến pháp để bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
2. Củng cố tính chính đáng về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp
Tính chính đáng về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được biểu hiện ở những điểm cơ bản sau: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt nam “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” [3], do vậy, ở xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ năng lực để đề ra được đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đúng đắn, phù hợp nhất, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam; thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” [4], do Đảng luôn phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc nên được giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc tin tưởng, giao phó vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho Đảng; thứ ba, không chỉ nhận cho mình vai trò lãnh đạo mà còn bằng những hoạt động thực tiễn, các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện mình là lực lượng tiên phong, luôn hy sinh quên mình suốt đời phấn đấu vì nhân dân, vì dân tộc nên luôn giữ được lòng tin của nhân dân và uy tín của lực lượng lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Những quy định trên của Hiến pháp đã minh chứng cho mọi người thấy rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam là hoàn toàn chính đáng.
Những quy định trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 còn cho thấy, mặc dù hiện nay tình hình thế giới rất phức tạp, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không dao động trước những khó khăn, thách thức, vẫn tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước biến những lý tưởng cộng sản cao đẹp thành hiện thực ở Việt Nam.
Tất cả những vấn đề nêu trên đã chứng tỏ sự cần thiết, tính chính đáng trong việc thiết lập và duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam trước đây, hiện nay và trong tương lai trong thực tế cũng như trong Hiến pháp.
3. Mở rộng cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam 
Trong một xã hội tồn tại nhiều đảng phái thì mỗi đảng thường đại diện cho một lực lượng nhất định trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới ra đời được xác định là đội tiên phong chiến đấu của “giai cấp công nhân”, sau này là của “giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam”. Trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với đặc điểm là một đảng duy nhất cầm quyền, thực hiện sự lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam đòi hỏi cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được củng cố, mở rộng. Điều này đã được Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X lý giải và khẳng định. Hiến pháp ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” [5], như vậy, đã củng cố, mở rộng thêm về mặt pháp lý cơ sở xã hội vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân, vừa là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Việc ghi nhận này vừa phù hợp với xu thế vận động và phát triển của tình hình chính trị - xã hội của đất nước, vừa phản ánh đúng bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc ghi nhận như vậy còn cho thấy xã hội Việt Nam ngày càng thống nhất, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội Việt Nam ngày càng cao.
4. Nhấn mạnh không chỉ các tổ chức của Đảng mà tất cả đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật
Mặc dù là một đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội xây dựng, thực hiện và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự đặt mình dưới quyền lực của Hiến pháp và pháp luật, tự giác hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Nếu trong các Hiến pháp trước đây không quy định hoặc chỉ quy định: “Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp” [6] hay “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” [7], thì Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” [8]. Có thể nói, đây cũng là một bước tiến bộ, thể hiện đầy đủ hơn tinh thần gương mẫu trong việc tôn trọng, thực hiện Hiến pháp và pháp luật của một Đảng cầm quyền trong Nhà nước pháp quyền. Điều này càng củng cố thêm về mặt pháp lý vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính hợp pháp sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng là điều kiện để tăng cường nguyên tắc pháp chế trong mối quan hệ quyền lực giữa Đảng với Nhà nước và xã hội.
Quy định trên của Hiến pháp năm 2013 vừa bảo đảm được tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tránh được hiện tượng lạm quyền, chuyên quyền của các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong điều kiện chỉ tồn tại một đảng duy nhất trong xã hội. Quy định trên đồng thời cũng tránh được thói “kiêu ngạo cộng sản” của một số tổ chức đảng và cá nhân đảng viên trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong quan hệ với Nhà nước và nhân dân.
5. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình
Xuất thân từ nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã xác định luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Như vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng của Đảng là gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Sự ghi nhận của Hiến pháp về sự gắn bó của Đảng với nhân dân càng làm cho trách nhiệm gắn bó với nhân dân của Đảng ngày càng cao.
Trong điều kiện chỉ có một đảng, thì bảo đảm quyền lực nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân là vấn đề sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, từ chỗ chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến tới “đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Vì vậy, Đảng được nhân dân thương yêu, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là “Đảng ta”, Đảng của mình. Đây là vinh dự lớn mà không phải đảng nào trên thế giới cũng có được và điều này cũng thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân. Do vậy, Đảng cũng xác định nhiệm vụ của mỗi đảng viên là phải gắn bó mật thiết với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, chứng tỏ mình là người ưu tú qua thực tiễn hoạt động. Đảng viên phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội ở nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối chính sách và pháp luật [9].
Việc Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” [10], thể hiện sự cam kết của Đảng trước nhân dân, tinh thần trách nhiệm cao của Đảng, sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm của Đảng, đồng thời cũng thể hiện sự tự tin của Đảng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước.
6. Nhận thức đúng và có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện quy định của Hiến pháp về Đảng Cộng sản Việt Nam
Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định khá đầy đủ trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, song đó mới chỉ là những bảo đảm về Hiến pháp đối với sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải nhận thức đúng và có những giải pháp hữu hiệu để sao cho những quy định đó trong Hiến pháp đi vào cuộc sống. Để thực hiện các quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, về tất cả các quy định khác nói chung, đòi hỏi các tổ chức của Đảng, các đảng viên của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân Việt Nam phải:
Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, về con đường, phương thức đi lên CNXH của Việt Nam trong điều kiện hiện nay...
Thứ hai, để khẳng định tính chính đáng về vai trò lãnh đạo của mình đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải thể hiện vai trò tiên phong về tổ chức, về tư tưởng lý luận và về hành động cách mạng, gương mẫu và kiên định vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc để nâng cao hơn nữa uy tín của mình ở trong nước cũng như trên trường quốc tế. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải là những người ưu tú nhất trong giai cấp công nhân, trong nhân dân lao động và trong cả dân tộc Việt Nam. Kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi hàng ngũ của Đảng.
Thứ ba, để thực hiện sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân đòi hỏi đảng viên và các tổ chức đảng phải tôn trọng nhân dân, cùng sống, lao động, sinh hoạt với nhân dân. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, những quyết sách quan trọng nhất trong đường lối, chính sách của Đảng phải có sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhân dân. Bảo đảm để các cuộc bầu cử diễn ra với những quy trình thực sự dân chủ, đúng pháp luật để nhân dân lựa chọn được đúng người đại diện xứng đáng của mình vào các cơ quan đại biểu. Có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, các cá nhân đảng viên. Các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên phải thường xuyên báo cáo, thông tin với nhân dân về những hoạt động của tổ chức mình. Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân về những quyết định của Đảng bằng việc cụ thể hóa trách nhiệm mà Đảng phải chịu trước nhân dân đã được Hiến pháp quy định.
Thứ tư, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cần đề cao vị thế của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt động của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị đất nước. Phải làm sao cho tất cả những nhà cầm quyền dù là quyền lực nhà nước, quyền lực của tổ chức đảng hay quyền lực của bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào trong xã hội cũng phải được ràng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật. Cần thiết lập cơ chế để Hiến pháp thực sự được đề cao, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật luôn có hiệu lực thực tế, phát huy được vai trò, tác dụng của mình trong cuộc sống. Không ngừng xây dựng, hoàn thiện Điều lệ Đảng và hệ thống pháp luật để xác định rõ hơn, cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước các cấp và mối quan hệ giữa chúng. Về phía Nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, về tổ chức Đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Chi tiết, cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong các văn bản luật và văn bản dưới luật. Các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải xác định một cách chính xác những vấn đề gì thì các cơ quan của Đảng quyết định, những vấn đề gì có sự phối hợp giữa Đảng với Nhà nước, những vấn đề gì Nhà nước chủ động thực hiện và báo cáo với tổ chức đảng... Không nên để tình trạng các tổ chức đảng lãnh đạo chung chung, dẫn đến có thể bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng.
Thứ năm, trong điều kiện hiện nay phải: “đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức” [11], “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, đặc biệt là các lãnh tụ của Đảng [12], phải thể hiện được tính tiên phong của mình để xây dựng đúng, chính xác lý luận về Nhà nước pháp quyền và một Đảng cầm quyền trong Nhà nước pháp quyền, đồng thời phải: “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo…” [13]. Như vậy, có thể nói “xây dựng Đảng là một nhiệm vụ trọng yếu, là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng” [14], để Đảng thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Hiến pháp khẳng định.
Phải nghiên cứu bố trí sắp xếp cán bộ cho bộ máy đảng và bộ máy nhà nước phù hợp để có thể phát huy được năng lực, trí tuệ của mỗi người, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bộ máy. Điều này đòi hỏi Đảng phải đảm bảo tính hiệu quả trong lãnh đạo, phải hóa thân vào Nhà nước, phải chịu trách nhiệm về những quyết sách và hoạt động của mình trước giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam.
Tóm lại, Hiến pháp năm 2013 mặc dù rất ngắn gọn nhưng đã ghi nhận và thể hiện được về mặt pháp lý tính tiên phong, năng lực tiên phong, tư cách tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cầm quyền ở Việt Nam, thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam./. 

[1] Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013
[2] Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013
[3] Điều 4 Hiến pháp năm 2013
[4] Điều 4 Hiến pháp năm 2013
[5] Điều 4 Hiến pháp năm 2013
[6] Điều 4 Hiến pháp năm 1980
[7] Điều 4 Hiến pháp năm 1992
[8] Điều 4 Hiến pháp năm 2013
[9] Xem, Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
[10] Điều 4 Hiến pháp năm 2013
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 316.
[12] Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sdd, tr. 255.
[13] Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sdd, tr. 246.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sdd,, tr.330.

Tác giả: Nguyễn Minh Đoan, PGS, TS. Đại học Luật Hà Nội.