21/01/2016 Vietnamnet
Tổng bí thư nhấn mạnh trước Đại hội cần đoàn kết một lòng,
quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế nhanh và bền
vững.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12
của Đảng hôm nay khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.
Bắt đầu từ 8h sáng, lễ khai mạc mở đầu
bằng việc Trưởng đoàn thư ký Đại hội, Chánh văn phòng TƯ Đảng Trần Quốc Vượng
công bố và giới thiệu danh sách Đoàn Chủ tịch, Thư ký Đại hội.
Đoàn Chủ tịch gồm 16 ủy viên Bộ Chính
trị khóa 11 và bà Hà Thị Khiết, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ. Chủ tịch
Đoàn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn thư ký 5 người gồm ông Trần Quốc
Vượng (Trưởng đoàn) và các ủy viên gồm bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn
đề xã hội QH, các ông Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ, Võ Văn
Thưởng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, và Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo VN.
Tiếp theo, ông Lê Hồng Anh, Thường trực
Ban Bí thư phát biểu mở đầu Đại hội, nhấn mạnh các nội dung làm việc của Đại
hội, trong đó có kiểm điểm sự lãnh đạo của BCH TƯ 11, đánh giá thi hành Điều lệ
Đảng khóa 11, thực hiện Nghị quyết TƯ 4, bầu Ban chấp hành TƯ khóa 12.
"Trước nhiệm vụ trọng đại, vẻ vang
mà toàn Đảng, toàn dân giao phó cho Đại hội, với tinh thần trách nhiệm cao
trước Đảng, nhân dân, đất nước, Đại hội sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được
giao", ông Lê Hồng Anh nói.
Thường trực Ban Bí thư cho biết dự Đại
hội có mặt đầy đủ 1.510 ĐB đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên toàn quốc.
Các đại biểu khách mời có các nguyên
Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước Lê
Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải,
nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
Lễ khai mạc Đại hội còn có sự tham dự
của các ĐB là các mẹ VN anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn
giáo và đại diện thế hệ trẻ cả nước, cũng như các đại sứ, đại biện các nước tại
Hà Nội.
Ông Lê Hồng Anh giới thiệu Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng là người điều hành phiên khai mạc. Thủ tướng sau đó mời Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang lên đọc diễn văn khai mạc.
Chọn người tiêu biểu
vào Ban chấp hành
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang cho biết Đại hội 12 hôm nay được khai mạc trọng thể tại thủ đô
Hà Nội, và chào mừng 1.510 ĐB là các đảng viên ưu tú, tiêu biểu cho trí tuệ, sự
thống nhất ý chí và hành động, sức mạng đoàn kết của toàn Đảng, đại diện cho
4,5 triệu Đảng viên, về dự Đại hội.
Chào mừng các ĐB khách mời, đánh giá
cao các phong trào thi đua, Chủ tịch nước nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ
Chí Minh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên, cán bộ phải thật
sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư,
giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ
trung thành của nhân dân".
Đại hội cũng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc
các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đồng chí đã cống hiến, lao động, chiến đấu ngoan
cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống
nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh thời điểm có ý
nghĩa quan trọng của Đại hội 12: Ta đang thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương,
mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết Đại hội 11, 30 năm Đổi mới, chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp 2013...
Nhấn mạnh lại các nội dung làm việc của
Đại hội, Chủ tịch nước cũng cho biết Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành TƯ khóa 12:
Gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng
lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng nhu cầu của tình hình mới của công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhắc lại ý nghĩa trọng
đại của Đại hội 12: Định hướng, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn
dân tộc, dân chủ XHCN, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đưa nước ta
cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
"Đại hội 12 là Đại hội đoàn kết,
dân chủ, kỷ cương, đổi mới, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường, và quyết tâm
đi tới của cả dân tộc, vì một nước VN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh, vững bước đi lên CNXH".
Chủ tịch nước tuyên bố khai mạc Đại hội
12 của Đảng.
Chỉnh đốn Đảng, đẩy
lùi ‘tự diễn biến’
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11
về các văn kiện Đại hội 12 của Đảng
do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội sang nay
nhấn mạnh nội dung cốt lõi.
Đó là vững bước trên con đường đổi mới;
phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa,
xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng
trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Báo cáo chỉ rõ năm năm tới, tình hình
thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến
nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức.
Trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã
chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước
trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế
lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự
chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự
tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ,
thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần
đoàn kết một lòng, quyết tâm tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính
trị vững mạnh.
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân
chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đối mới; phát triển
kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực
và trên thế giới…
Giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định
Báo cáo khẳng định mục tiêu trọng yếu
của quốc phòng, an ninh là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc,
của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng
quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và
chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa.
Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ
nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Báo cáo nhấn mạnh thực hiện thắng lợi
đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc
gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng
và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối
ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...
Xây dựng Đảng trong
sạch vững mạnh
Về công tác xây dựng Đảng, báo cáo nhấn
mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay", góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước
ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng.
Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê
bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và việc khắc phục, sửa chữa những
hạn chế, khuyết điểm đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tạo
được chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, khắc phục
một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong thực hiện các nguyên
tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, cá nhân phụ trách.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực
tiễn, đổi mới phong cách và lề lối làm việc; nghiêm khắc với mình hơn, giữ gìn
đạo đức, lối sống; bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và
các hoạt động trong công tác và trong cuộc sống của mình, của gia đình và người
thân. Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc
biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra,
xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, được cán bộ, đảng viên và
nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan
điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng các quy
chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn…
Báo cáo cũng chỉ rõ công tác xây dựng
Đảng nói chung cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm thể hiện trên các mặt,
các nội dung, các khâu công tác, nổi bật là việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo
tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời,
đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng
còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng
viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; chất lượng sinh hoạt đảng,
tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn yếu….
Chống tham nhũng
Báo cáo đề cập 6 nhiệm vụ trọng tâm cần
thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội 12. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ.
Bên cạnh đó xây dựng tổ chức bộ máy của
toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan
hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục
nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực
và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,
giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội,
bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…
Xuân Linh - Chung
Hoàng