Ngày 26/01/2016 Lâu nay, nhiều người vẫn mồm
năm miệng mười nói xấu Việt Nam. Những người vì ngây thơ, vì xốc nổi thì không
kể. Đây là nói về những người cố tình theo châm ngôn của tên trùm phát xít Goebbels: “Sự thật là những lời nói dối được lặp lại nhiều lần”.
Cứ như họ nói thì nào Việt Nam độc tài, Việt Nam vi phạm nhân quyền, Việt Nam
không có tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận… Nghĩa là họ cố tình
treo lên bức tranh Việt Nam trước thế giới thật ngột ngạt, đen tối, khiến mọi
người xa lánh, khiếp sợ. Những người này hi vọng, vì xa xôi cách trở thiếu
thông tin, vì nhẹ dạ cả tin, vì đã quen với một môi trường khác… người ta sẽ lắng
nghe rồi dần tin họ, làm theo họ. Thế nhưng thật bất ngờ với họ, một sự kiện
như quả bom dư luận đột ngột nổ. Ngày 12-11-2013, Đại Hội đồng LHQ khóa 68 đã
tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ
2014 - 2016. Kết quả Việt Nam đã được 184/192 nước bỏ phiếu thuận, không có nước
nào bỏ phiếu chống. Tức là gần như cả LHQ đồng tình với việc bầu Việt Nam vào Hội
đồng Nhân quyền, một hội đồng rất quan trọng, gánh một trong 3 nội dung hoạt động
chính của tổ chức quốc tế có quyền lực nhất hành tinh này.
Nhân quyền tức là quyền con
người. Quyền con người là phần thiêng liêng nhất, phản ánh đầy đủ nhất sự tiến
bộ của mỗi cộng đồng người. Trong quyền con người, có 3 quyền quan trọng nhất:
Tự do, bình đẳng, bác ái. Con người không bị ép buộc làm nô lệ; không bị áp bức,
bóc lột và được sống trong tình yêu thương. Những điều đó, hơn nửa thế kỷ qua,
những người Cộng sản Việt Nam tập hợp quanh Đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng với
toàn dân tộc Việt Nam đổ không biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi, nước mắt để
giành lại và bảo vệ nên non sông ta, nhân dân ta mới được như ngày nay. Sự thật
ấy, cả dân tộc Việt Nam và rất nhiều bè bạn trên thế giới đều biết, không thể dễ
dàng lừa bịp họ.
Cũng không thể phủ nhận công
lao to lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ, từ một
nước khủng hoảng, kiệt quệ trong chiến tranh, nhân dân vô cùng nghèo nàn, đói
khổ đã chèo lái dân tộc trên đường đổi mới, trở thành một nước đang phát triển,
có mức GDP bình quân từ 300 USD lên 1.400 USD, giành những thành tựu to lớn
trong xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Như vậy là từ quyền thiêng
liêng nhất là độc lập, tự do, được bình đẳng, bác ái đến quyền được sống, thiết
thực nhất là được ăn no, mặc ấm, được học hành đều là đích phấn đấu; đồng thời
đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng toàn dân giành được những thành tựu to lớn,
không thể phủ nhận được.
Không nhằm vào những vấn đề
cơ bản về nhân quyền được thì họ chọn những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề dễ mù
mờ về nhận thức, dễ bị hiểu sai như tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình, tự do báo
chí, tôn giáo; quyền dân chủ của người dân, vấn đề một số kẻ tha hóa, biến chất,
mong vinh thân phì gia và những sai lầm, yếu kém của Nhà nước ta để kích động,
chia rẽ, từng bước làm tan rã khối đại đoàn kết dân tộc, gieo rắc hoang mang
nghi ngờ, khủng hoảng niềm tin để dễ bề thao túng, phá phách. Họ đã chọn lớp trẻ,
những người yêu nước, có kiến thức và trí sáng tạo nhưng cả tin để tác động… Âm
mưu ấy không phải không xảo quyệt, đánh lừa được một số người. Nhưng cuối cùng,
chiến thắng vẫn là lẽ phải. Hãy thử lướt qua một vài lĩnh vực đó xem họ đã nói sai
thực tế đến mức nào.
Họ nói rằng ở Việt Nam, những
ai không đồng chính kiến với Nhà nước, dám đứng lên đấu tranh dù bằng con đường
bất bạo động đều có thể bị bắt giam, bị tra tấn, tù đày. Ở đây có sự đánh tráo
khái niệm. Những người được gọi là “kẻ thù chính trị” ấy bị cấm đoán, thậm chí
ngồi tù không phải vì họ bất đồng chính trị mà là hành vi, ý đồ của họ phạm
pháp trong lĩnh vực chính trị. Không có nước nào cho công dân của mình ngang
nhiên hoạt động phi pháp. Ở Việt Nam, bất kỳ công dân nào cũng có quyền nói ra
những điều mình không đồng tình nhưng nếu lợi dụng quyền đó để bóp méo, vu cáo
và lôi kéo kẻ khác chống đối, lật đổ chế độ, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn
dân tộc đều sẽ bị nghiêm trị.
Họ luôn vu cáo rằng Việt Nam
cấm đoán các hoạt động tôn giáo, ngăn cản việc đào tạo chức sắc tôn giáo, sửa
sang các cơ sở tôn giáo, không trả đất cho tôn giáo. Hãy xem quan hệ giữa
Vatican và Nhà nước Việt Nam đang ấm dần lên như thế nào. Hãy xem đời sống tôn
giáo ngày càng nhộn nhịp như thế nào. Chùa chiền, nhà thờ được xây mới; các
khóa đào tạo chức sắc được mở; đại hội của những người theo đạo được tiến hành.
Người dân được tự do thực hiện các lễ hội, nghi lễ tôn giáo như thế nào để đánh
giá thực hư. Ở Việt Nam, trên thực tế không có sự cấm đoán tôn giáo, chỉ một
vài kẻ lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước là bị nghiêm trị. Một đất nước
không có đàn áp tôn giáo, không có chiến tranh, tàn sát do mâu thuẫn tôn giáo,
không ai bị cấm không được theo tôn giáo và không ai bị ngược đãi khi không
theo tôn giáo nào không thể nói nước đó không có tự do tôn giáo.
Một trong những mũi nhọn vu
cáo Việt Nam là vấn đề tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình. Trong lĩnh vực này,
không ai không thừa nhận nhân dân ta đã giành được rất nhiều thành tựu. Chưa
bao giờ không khí xã hội lại thông thoáng như ngày nay. Điều đó là nhờ báo chí,
nhờ quyền tự do ngôn luận được tôn trọng. Không những thế, Hiến pháp 2013 vừa
được thông qua đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực này. Sắp tới, Luật Biểu
tình, lập hội sẽ được xây dựng và ban hành; Tiếp theo Luật Xuất bản sửa đổi vừa
ban hành, Luật Báo chí sửa đổi theo hướng cởi mở hơn nữa cũng sẽ được trình Quốc
hội thông qua ngay trong thời gian trước mắt. Dân chủ là một quá trình lâu dài.
Để có dân chủ, Nhà nước và nhân dân cùng phải phấn đấu, rèn luyện. Việt Nam là
một nước nghèo, dân trí còn thấp lại trải qua nhiều năm chiến tranh, áp đặt những
tiêu chuẩn dân chủ phương Tây (trong đó không ít quyền dân chủ chỉ là hình thức,
giả hiệu) là một sự gán ghép khiên cưỡng, thiếu khoa học, không phù hợp với
truyền thống văn hóa và hoàn cảnh mỗi nước.
Chỉ lướt qua 3 lĩnh vực mà
các thế lực thù địch đang chĩa vào để vu cáo nước ta về nhân quyền đã thấy rõ
thực chất của sự vu cáo đó. Nhiều năm qua, không từ một dịp nào, báo chí, các
phương tiện truyền thông, chính quyền một số nước, kể cả các tổ chức quốc tế nữa
đều ra sức vu cáo chúng ta trong lĩnh vực này nhưng việc Việt Nam được bầu vào
tổ chức Nhân Quyền của LHQ đã chứng tỏ những luận điệu đó đã thất bại, nhân dân
thế giới không bị họ làm mờ mắt. Việc tham gia tổ chức Nhân quyền cũng chứng tỏ
đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn với các nước,
không phân biệt chế độ chính trị vì hòa bình, hữu nghị và phát triển đã có ý
nghĩa lớn trong việc để thế giới hiểu ta hơn, giúp đỡ ta trong quá trình xây dựng
và bảo vệ chủ quyền đất nước. Nó cũng là điều kiện thuận lợi cho việc tuyên
truyền, giới thiệu đường lối cũng như những thành tựu nhân quyền của nước ta
trước thế giới và tạo điều kiện để nước ta tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh
vì nhân quyền của toàn thể loài người.
Ngày nay, một số thế lực
đang lợi dụng chiêu bài nhân quyền và chống khủng bố để thực hiện những ý đồ
xâm lược, lập lại trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ. Việc Việt Nam được
bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với tỷ lệ đồng thuận cao là một sự kiện quan trọng,
có ý nghĩa trên nhiều mặt, phản ánh sự đánh giá, ghi nhận của cộng đồng quốc tế
với thành tựu đảm bảo và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam; phản ánh vị thế và uy
tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của nhân
dân ta vào chế độ, vào chính sách nhân quyền nhất quán và tích cực của Nhà nước
ta, làm thất bại một bước âm mưu phá hoại ta của các thế lực thù địch về vấn đề
nhân quyền.■
Tác giả: PGS.TS VŨ DUY THÔNG
Nguồn: Tạp chí Nhân quyền VN