26/1/2016 Sinh tại Việt Nam, lớn lên
tại Mỹ, mấy năm gần đây trong tư cách Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly (Mỹ),
Etcetera Nguyễn có dịp trở về Việt Nam để tác nghiệp. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày
giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Etcetera Nguyễn gửi tới Báo
Nhân Dân bài viết nói lên suy nghĩ của mình về thực chất hoạt động "chống
cộng" ở hải ngoại, về vai trò của Việt Weekly trong khi đưa tin khách
quan, trung thực về tình hình đất nước...
Trên
bề mặt, nếu nhìn vào các sinh hoạt nổi bật ở Little Saigon (California) vào
tháng 4 hằng năm, đặc biệt là ngày 30-4, người Mỹ bản địa và những vị khách
chưa hiểu biết một cách thấu đáo về vấn đề, vẫn bị thu hút bởi mầu vàng của lá
cờ "3 sọc đỏ" được treo khắp các con phố, trục lộ chính, nơi có nhiều
cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Việt buôn bán, làm ăn. Rồi nhiều cuộc hội
họp, lễ lạt mang tính chất "tố cộng" được tổ chức rầm rộ.
Các
hội đoàn chính trị, các chính khách địa phương tập hợp tại "Tượng đài Việt
- Mỹ" ở trung tâm TP Westminster để kể lại trận chiến bị thua, về vết
thương còn âm ỉ! Các sinh hoạt chính trị đó được các tờ báo của cộng đồng ghi
lại, thổi lên thành "ngọn lửa căm thù chế độ cộng sản, căm thù chính phủ
Việt Nam". Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, và tất nhiên, có
tác động đến những ai bị mất mát của cải, địa vị xã hội, quyền lợi chính trị
từng có trước đây.
Nhìn
bề mặt thì như thế, nhưng theo ghi nhận của tôi, có yếu tố "đằng sau hậu
trường" đáng ngạc nhiên. Và tôi có thể khẳng định rằng, cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở Nam California, không cực đoan như các tờ báo
cộng đồng cố tình mô tả.
Kể
từ sau năm 1995, sau khi bang giao Mỹ và Việt Nam được thiết lập, đã có những
người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để tìm lại hình ảnh quê nhà thân
thương, để thăm viếng; đã có những doanh gia lặng lẽ về nước tìm cơ hội làm ăn,
giao thương buôn bán. Hơn 20 năm qua, các chuyến thăm thân, du lịch, giao dịch
không còn là việc làm âm thầm, đơn lẻ nữa.
Con
đường nhỏ nay đã trở thành đại lộ thênh thang, không hạn chế bất cứ ai. Những
năm gần đây, vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên
trường quốc tế đã trở nên quan trọng, được đánh giá là một nước có nhiều tiềm
năng kinh tế, phát triển tại Đông - Nam Á.
Các
chuyến thăm hữu nghị của các cấp lãnh đạo Việt Nam ra quốc tế và ngược lại diễn
ra đều đặn, ngày một nhiều hơn... Tuy nhiên, những thông tin tích cực ở Việt
Nam đã không đến được với người dân bản địa. Có chăng thì đều bị bóp méo, xuyên
tạc bởi những "nhà chính trị", các "tổ chức chính trị" có
quan điểm khác với Chính phủ Việt Nam. Bức tranh thực tế của đất nước đã bị một
lớp sương mù bao phủ, làm nhiễu loạn có mục đích. Vậy mục đích, động cơ của các
"nhà hoạt đầu chính trị cộng đồng" là gì?Họ muốn điều gì để rồi luôn
luôn có thái độ thù nghịch với Chính phủ Việt Nam?
Nếu
như trước đây, các cá nhân hám danh lợi, các tổ chức và hội đoàn chính trị từng
có tham vọng "lật đổ chế độ cộng sản" bằng bạo lực, để phục hồi quyền
lực đã có một thời, thì theo thời gian, họ biết rằng không thể làm được điều đó
vì không có khả năng, thực lực. Khi biết không thể làm thay được quyền lãnh đạo
đất nước, các "nhà hoạt động chính trị" này lại nỗ lực tự biến mình
thành một thứ chính quyền trong cộng đồng nhỏ, họ áp đặt "chủ nghĩa chống
cộng cực đoan" lên người có cùng cảnh ngộ. Họ muốn biến "cộng đồng tị
nạn" thành một tập thể cực đoan, luôn hô hào chống cộng dưới mọi hình thức
để trục lợi cho cá nhân, tổ chức của mình.
Quyền
lợi chính trị này không đến từ Việt Nam, mà đến từ chính nước sở tại vào mùa
tranh cử hai hoặc bốn năm một lần ở các cấp từ tiểu bang tới liên bang. Để có
lá phiếu của cử tri gốc Việt, các ứng cử viên người bản xứ tìm đến vận động,
xin hay "mua" từ những nhà lãnh đạo cộng đồng qua chiêu bài
"chống cộng", hay "dân chủ, tự do, nhân quyền".
Vào
mùa tranh cử, các tổ chức chống cộng cấu kết với các cơ quan "truyền thông
chống cộng" thao túng sinh hoạt cộng đồng. Các khó khăn, vấn nạn xã hội,
hiện tượng tiêu cực ở Việt Nam là "nguyên liệu tốt" cho những nhà
hoạt đầu chính trị cộng đồng nhào nặn thành "bánh vẽ", tạo nên chiếc
khiên đỡ, che đậy các động cơ chính trị tư lợi. Vào dịp đó, cộng đồng Việt ở
Nam Cali thường hoạt động rất sôi nổi, đây là dịp cho những tay hoạt đầu chính
trị nhảy ra chiếm diễn đàn để chống cộng, để chụp mũ nhau loạn xạ, bất kể đúng
sai, nhao nhao muôn vàn hình thức "chống cộng" như biểu tình phản đối
chính quyền Việt Nam, đòi tự do cho "nhà bất đồng chính kiến" v.v...
Biểu
tình chống phá Việt Nam để tạo tiếng vang, ghi thành tích; biểu tình đe dọa,
chụp mũ lẫn nhau là cộng sản để cạnh tranh buôn bán xảy ra thường xuyên (và
biết đâu là giành cho được ngân sách tranh cử rơi vào túi của họ?). Chiếc bánh
quyền lợi được chia đều cho một thiểu số tổ chức đấu tranh, các tay lãnh đạo
cộng đồng; một số tờ báo, cơ quan truyền thông chống cộng cũng được hưởng quyền
lợi thông qua việc quảng cáo tranh cử. Vì thế, quyền lợi vật chất, chính trị
của một thiểu số sẽ tiếp tục tồn tại, nếu đa số người Mỹ gốc Việt thiếu thông
tin khách quan, trung thực về Việt Nam.
Trong
sự ngột ngạt đó, từ năm 2006, các phóng viên Việt Weekly quyết định tìm về Việt
Nam làm tin tức tại chỗ. Với chủ trương đi tận nơi, tìm hiểu đưa tin khách
quan, trung thực để một làn gió mới về thông tin từ Việt Nam được đưa thẳng tới
cộng đồng. Đã có hàng loạt phóng sự về đời sống vùng miền, các cuộc phỏng vấn,
trao đổi trực tiếp từ người dân đến các cấp lãnh đạo từ địa phương tới trung
ương...
Hoạt
động này mang lại nhiều điều mới mẻ, khác lạ giúp kiều bào khắp nơi trên thế
giới thấy và hiểu hơn về Việt Nam. Đặc biệt là những chuyến đi thăm biển, đảo
được Nhà nước Việt Nam, qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ
chức các năm gần đây, đã cho thấy thực chất những gì đang diễn ra ở vùng biển
chủ quyền đất nước, giúp độc giả ở hải ngoại hiểu hơn tình hình thực địa chủ
quyền biển, đảo. Từ năm 2013 tới nay, cá nhân tôi, là phóng viên người Mỹ gốc
Việt duy nhất hiện sống và làm việc công khai thường trực tại Việt Nam.
Tôi
đã có cơ hội đi nhiều nơi, tự mình tìm hiểu đời sống thực tế của người dân. Tới
đâu tôi cũng chú ý lắng nghe, ghi nhận tường tận và cụ thể những câu chuyện
người thật, việc thật. Hỏi chuyện, đại đa số người dân đều muốn yên ổn làm ăn.
Họ cố gắng làm việc với ước mong một cuộc sống ngày càng khá hơn. Ai nấy đều
muốn hòa bình để làm kinh tế. Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi khi làm việc ở
Việt Nam chính là thế hệ trẻ.
Trong
những ngày ở Việt Nam, tôi chọn bờ hồ Gươm ở Hà Nội làm "văn phòng lưu
động" vừa làm báo, vừa ngồi vẽ tranh cho du khách, tôi có cơ hội thấy
nhiều học sinh, sinh viên ra đây gặp khách ngoại quốc để thực tập tiếng Anh,
tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật, v.v. Tôi chia sẻ với những ước vọng của họ,
những hoạt động xã hội của họ và nghĩ đến đất nước trong tương lai. So với Mỹ
hay những nước phương Tây, Việt Nam còn nhiều điều cần đổi mới, cần chấn chỉnh
từ luật pháp tới hành pháp, từ kinh tế tới giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Nhưng tựu trung, so với thời trẻ của tôi hồi còn ở trong nước, giới trẻ hiện
nay sống vui, có điều kiện hơn nhiều.
Những
người ngoại quốc đến làm ăn, du lịch ở Hà Nội và các vùng miền mà tôi đã gặp
đều nhận xét tích cực, lạc quan về con người, đất nước Việt Nam. Mùa Giáng sinh
vừa qua, tôi có dịp về quê nội ở Nam Định. Về thăm quê, tôi kinh ngạc khi thấy
vô số nhà thờ lớn nhỏ, cũ mới đan xen nhau theo từng họ đạo. Tôi đã ghi hình
các buổi lễ với vài nghìn giáo dân đứng tràn ra ngoài đường phố. Sau Tết Nguyên
đán, tôi lại có dịp tham quan, ghi nhận nhiều lễ hội ở miền bắc. Người dân được
tự do bày tỏ tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình. Những gì tôi thấy thực tế
ở Việt Nam là hoàn toàn khác so với hình ảnh Việt Nam "đàn áp tôn
giáo" được nói đến ở hải ngoại...
Ở
hải ngoại, phần lớn người Mỹ gốc Việt chọn thái độ im lặng để sống yên ổn. Con
cái họ đã thành công trong công việc, nhiều người lớn tuổi đã về hưu hưởng phúc
lợi xã hội. Sự thầm lặng của đám đông không đồng nghĩa với cực đoan mà chúng ta
thấy. Số đông này vẫn có những mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam. Số đông này
ngày càng hiểu hơn khi được tiếp cận với các thông tin khác nhau đến từ mạng xã
hội, đến từ các cơ quan truyền thông như Việt Weekly.
Do
đó, việc thông tin trực tiếp, khách quan từ báo chí độc lập như Việt Weekly đã
góp phần tích cực, thuyết phục với những người xa xứ. Bản thân tôi có được một
chút kinh nghiệm làm báo ở Việt Nam nhờ sống tại chỗ, tham gia nhiều sự kiện
diễn ra hằng ngày ở Hà Nội. Các bài viết, phóng sự, video chúng tôi thực hiện
trong thời gian qua, được độc giả khắp nơi đón nhận và khen ngợi, động viên.
Độc giả đòi hỏi chúng tôi đi nhiều hơn, làm nhiều hơn nữa, để giúp họ được hiểu
biết Việt Nam hơn.
Đó
chính là phần thưởng và động lực, nguồn động viên cho công việc báo chí của
Việt Weekly. 40 năm suy nghĩ về sự kiện lịch sử 30-4, là một nhà báo sống ở
nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú
vị, hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weekly ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ,
chọn lựa trở về của tôi và anh chị em trong Việt Weekly chẳng khác nào những
"con cá dám vượt vũ môn" từ một cộng đồng xa xôi, vẫn còn một nhóm
người cực đoan, chống phá Nhà nước Việt Nam.
Hãy
cứ để thời gian trả lời bằng sự thật. Và chúng tôi, các nhà báo nguyện làm công
việc khách quan, trung thực, để cung cấp những thông tin chính xác, nhanh nhạy
đến người ở ngoài nước, không may mắn có được cơ hội tiếp cận thực tế./.
Tác giả: ETCETERA
Nguyễn – Tổng Thư ký Tuần báo Việt Weekly (Mỹ)
Nguồn:
nhandan.com.vn