Thursday, January 14, 2016

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ NHỮNG TRIỂN VỌNG CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

       Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28/01/2016, là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp của Đảng để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong 5 năm tới.
 
Đại hội XII của Đảng họp vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; trải qua 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011 - 2015); nhìn lại 30 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (nhiệm kỳ 2016 - 2020).
       Tình hình thế giới
Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường: kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia, chiến tranh cục bộ, xung đột và chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, sự cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông... Các vấn đề toàn cầu, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, như: an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến ngày càng phức tạp. Các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh gay gắt, chi phối và làm phức tạp hơn các quan hệ quốc tế. Khu vực Đông Nam Á nhìn chung giữ được hòa bình, ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. ASEAN trở thành cộng đồng 10 quốc gia có bước phát triển mạnh, đồng thời phải đối phó với nhiều vấn đề như mâu thuẫn trong nội bộ một số nước, sự lôi kéo và chia rẽ của các nước bên ngoài. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn.
        Tình hình trong nước
Trong nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết, những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề. Nhu cầu bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước trước những động thái mới của tình hình khu vực và quốc tế.
        Nhìn lại kết quả 05 năm thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng
       Sau 05 năm thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 5,82%/năm, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn 5 năm trước, nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực bước đầu; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực. chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hoà bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt một số kết quả quan trọng. Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên. Đã thể chế hoá kịp thời Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013. Những thành quả nêu trên tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới.
Trong nhiệm kỳ đại hội Đảng XII này, với việc Việt Nam ra nhập TPP, tham gia vào cộng đồng ASEAN chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự trỗi dậy của nền kinh tế đông dân thứ 13 trên thế giới, với trình độ khoa học ngày càng tăng lên, sức tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm luôn đạt con số đáng ngưỡng mộ sẽ là điểm nhấn cho kích cầu tiêu dùng, giúp ổn định kinh tế để phát triển.
Ngày nay, đất nước đã mở cửa hội nhập đón vận hội mới và nhiệm vụ đặt ra cho Đại hội, cho Ban chấp hành Trung ương khóa tới là có giải quyết được đòi hỏi mới của tình hình để thích nghi và phát triển hay không, có chiến lược phát triển đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế vận động của thế giới hay không, đó là nhiệm vụ cao cả, hết sức nặng nề mà nhân dân kỳ vọng vào Đại hội, với những kết quả đạt được trong công tác nhân sự từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trải qua tôi luyện thử thách các đồng chí được Đại hội tin tưởng bầu ra sẽ đáp ứng được kỳ vọng của hơn 90 triệu nhân dân cả nước.
           Vai trò của công tác quy hoạch cán bộ được phát huy
                Nói về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Quán triệt và vận dụng quan điểm này của Bác, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đó là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; công tác đào tạo dự nguồn cao cấp và cán bộ chủ chốt ở các cơ quan trung ương và địa phương; công tác luân chuyển cán bộ được tiến hành đồng bộ ở cả hai chiều; công tác nhân sự và việc sửa đổi quy chế bầu cử trong Đảng cho phù hợp với tình hình…thông qua rèn luyện, thử thách, đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương và ngược lại quần chúng có điều kiện kiểm duyệt, đánh giá chất lượng, năng lực hoạt động của cán bộ được đưa vào dự nguồn Trung ương và đây được xem là một luồng gió mới cho Đại hội XII của Đảng. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, để xem xét, rà soát kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.
            Dự thảo các báo cáo trình Đại hội XII của Đảng được tiến hành công khai, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể
                Trước khi diễn ra Đại hội hơn 4 tháng, Bộ Chính trị ra Công văn số 11421 - CV/VPTW, về lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, từ đó cho đến nay công tác phản biện, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 được các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước tham gia một cách sôi nổi, tâm huyết; có nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cũng được đem ra thảo luận công khai, dân chủ ở tổ chức đảng các cấp. Trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, đề cao vai trò của nhân dân trong việc phúc quyết các vấn đề quan trọng, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...
           Ý đảng, lòng dân
          Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ có 1510 đại biểu đến từ mọi miền đất nước tham dự Đại diện cho hơn 4 triệu đảng viên trên cả nước. Đại hội được coi là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, do đó mà thành công của Đại hội không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng mà hơn hết là thể hiện ý chí của hơn 90 triệu đồng bào cả nước, Đại hội sẽ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ tiếp theo.
          Chưa bao giờ người dân thực sự kỳ vọng và đặt niềm tin nhiều vào nhà nước, vào thế hệ cán bộ, đảng viên như hiện nay kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sau hàng loạt những chính sách mạnh tay nhằm chống tham nhũng và có chiến lược hội nhập, phát triển kinh tế phù hợp chỉ số lòng tin của nhân dân với đảng đã nâng lên đáng kể, góp phần tạo lên sức mạnh của khối đoàn kết toàn đảng, toàn dân. Khi mà nhà nước ngày càng đảm bảo chăm lo cho cuộc sống của nhân dân nhiều hơn thì đó cũng là một tín hiệu đáng mừng báo hiệu thời kỳ phá băng suy thoái, phát triển mạnh mẽ hơn.
  Triển vọng của Việt Nam trong thời gian tới
            Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập.
          Kinh tế từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp.
          Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hoá xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
          Tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn.
          Trở lại câu chuyện của Đại hội XII, với những thành công trong công tác chuẩn bị, với ý Đảng, lòng dân và quyết tâm chính trị của nhân dân cả nước, sự ủng hộ cao của cộng đồng quốc tế chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, bầu ra được người có đủ đức, đủ tài tham gia vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử phát triển dân tộc ta góp phần trực tiếp vào đổi mới, hội nhập sâu rộng, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân./.