Monday, January 25, 2016

Suy nghĩ của một Việt kiều xa xứ

Là một người con nước Việt sống xa Tổ quốc nửa vòng Trái Đất, như thường lệ, tôi dành thời gian ngày nghỉ cuối tuần "lướt web" dõi theo thông tin về tình hình đất nước, để trái tim tôi được đập cùng nhịp với trái tim của Tổ quốc. Trên xa lộ thông tin như trận đồ bát quái vô tình đập vào mắt tôi là một số bài viết của những cá nhân, những phần tử chống đối cực đoan đó là những điểm đen trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Những luận điệu cũ rích của các phần tử bất mãn, chống đối chẳng có gì mới lạ, vẫn xoay quanh những luận điệu "độc đảng, độc tài, không có tự do, dân chủ", kích động, lôi kéo, xúi giục chống Trung Quốc gây mối bất hòa nguy hiểm cho đất nước. Bên phía trời Tây, cái trò vu khống, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình ở Việt Nam của các nhà hoạt động dân chủ, đối tượng chế độ cũ ở Hoa Kỳ gào thét "Nhân quyền cho Việt Nam" trong những ngày trước và trong chuyến thăm Hoa Kỳ của các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Mỹ, lặp đi lặp lại, đã bị đông đảo dư luận mỉa mai, khinh bỉ và lên án. Đã có rất nhiều bài viết của người Việt ở nước ngoài chỉ trích, bác bỏ việc làm bỉ ổi của những kẻ đầu trò đã dựng lên màn kịch "nhân quyền", cũng như của kẻ đang tâm biến mình thành con rối chính trị cho nhóm người chống cộng cực đoan ở hải ngoại giật dây trong vở kịch đó? Cái gọi là “đòi nhân quyền cho Việt Nam” chỉ là một trò ngụy tạo để họ dấn sâu vào âm mưu “cách mạng màu” gây rối loạn đất nước để trục lợi chính trị mà thôi.
Kích động, xuyên tạc đó là tư tưởng chủ đạo của các nhà "dân chủ". Những luận điều về việc đòi hỏi một chuẩn mực chung về văn minh, về dân chủ nhân quyền mà thực ra là nhằm rập khuôn theo mô hình dân chủ nhân quyền của Mỹ và phương Tây chỉ là cái nhìn thiển cận của những “nhà dân chủ tự xưng”. Hãy nghe cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi còn đương nhiệm đã có bài phát biểu rất hay khi cho rằng: "Vấn đề nhân quyền và dân chủ ở một quốc gia phải được đánh giá dựa trên truyền thống, văn hóa, lịch sử của quốc gia đó". Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là khẳng định: Xã hội Việt Nam tiếp tục một bước phát triển mới, tiến tới tự do. Xã hội không phải là những cá nhân riêng lẻ, mà là tập hợp của cả cộng đồng trong mối quan hệ đan xen và tác động lẫn nhau giữa cá nhân - gia đình - dân tộc - Tổ quốc và Nhà nước. Song, xã hội vận động và phát triển bao giờ cũng do những cá nhân sống và hoạt động, theo đuổi những lợi ích khác nhau. Nhưng, chính những nhu cầu, lợi ích, mục đích, hoạt động ấy của con người lại bị ràng buộc trong mối quan hệ với những người khác, với xã hội. Do đó, nó luôn luôn bị chi phối bởi cái tất yếu trong mối quan hệ nhân quả. Giải quyết thỏa đáng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội là vấn đề cốt lõi của động lực phát triển xã hội. Lịch sử chế độ xã hội ở bất cứ quốc gia nào, vấn đề lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội cũng đều có xung đột ở những mức độ khác nhau. Giải quyết những xung đột ấy, điều chỉnh nó sao cho có sự hài hòa tương đối “cùng chấp nhận được”, để không phá vỡ cấu trúc xã hội, để “quốc thái, dân an”, “dân giàu nước mạnh" là vấn đề thường nhật và không hề dễ dàng của một chế độ nhà nước cũng như của mỗi cá nhân. Xây dựng nhà nước dân chủ và pháp quyền, nâng cao dân trí và quan trí để ai ai cũng phải đặt mình dưới Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, được làm tất cả mọi việc mà pháp luật không cấm, còn nhà nước từ người đứng đầu cho đến nhân viên chính phủ, nhân viên hành chính xã, phường chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép. Đó là vấn đề cấp bách của vấn đề nhân quyền của Việt Nam hiện nay, cụ thể là nhiệm vụ cải cách tư pháp, trọng tâm là sửa đổi Hiến pháp và cải cách hành chính - những công việc mà Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đề ra và quyết tâm lãnh đạo thực hiện thời gian tới.
Một sự kiện đáng xấu hổ nữa đó là một số cá nhân, tổ chức chống cộng người Việt tại Hoa Kỳ đã tổ chức họp báo, kiến nghị gây sức ép yêu cầu Hoa kỳ không "dễ dãi" đối với Việt Nam trong mối quan hệ về chính trị, kinh tế... Lẽ ra một người có tấm lòng đối với quê hương phải vui mừng trước sự đổi mới không ngừng của đất nước, ủng hộ chính phủ đang nỗ lực đưa đất nước hòa nhập toàn diện vào trào lưu thế giới không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng tới cuộc sống và xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc của mọi người, thì họ lại nuôi dưỡng mưu đồ kích động phá hoại cuộc sống bình yên của đất nước.
Mặc dù đây đó trong và ngoài nước còn có một số cá nhân, tổ chức dùng mọi thủ đoạn xấu xa tác động hay gây sức ép đòi Chính phủ Mỹ đưa vấn đề dân chủ, nhân quyền ra làm điều kiện trong quan hệ với Việt Nam nhưng như nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ rất tươi sáng và mối quan hệ song phương ngày càng trở lên quan trọng do vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia đều nhận định, tuy còn có một số thách thức và quan điểm khác nhau về dân chủ, nhân quyền và hệ thống chính trị giữa hai nước, nhưng vì Hoa Kỳ ngày càng thấy được giá trị chiến lược và kinh tế ở Việt Nam nên những khác biệt về dân chủ, nhân quyền sẽ phải nhường bước cho thúc đẩy hợp tác. Theo ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp về Ðông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS): “Chính phủ Mỹ xem Việt Nam là nước có vị trí chiến lược hàng đầu ở Ðông Nam Á. Hoa Kỳ cần Việt Nam vì chiến lược của Hoa Kỳ ít nhất dựa vào một phần đó là ASEAN mạnh mẽ. ASEAN có nền móng vững chắc là điểm tựa cân bằng cho kiến trúc vùng kiểu mới trong Thượng đỉnh Đông Á. Nếu thiếu vắng yếu tố lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam cũng như của ASEAN, là khối hợp tác mà Việt Nam tin tưởng, thì chiến lược của Hoa Kỳ sẽ rất yếu”.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ sau đổi mới, ngoại giao Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại đổi mới “đa phương hóa, đa dạng hóa”, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Đây thực sự là một sự thay đổi vô cùng sáng suốt của Đảng và Chính phủ, tạo điều kiện nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới. “Không có  gì quý hơn độc lập, tự do”, đó là cốt lõi của nhân quyền. Dân tộc Việt Nam ta đã có lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nhân dân Việt Nam cũng vừa mới trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại suốt 30 năm, đã hy sinh biết bao tiền của, máu xương để giành và giữ vững chủ quyền quốc gia. Chính vì thế, sinh thời nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh luôn có một mong muốn, mong muốn tột bậc: đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cho tới nay mong muốn của Bác vẫn là mơ ước của hàng tỷ người trên trái đất. Hơn bất cứ ai, những người Việt Nam chân chính, từ lãnh đạo đến nhân dân, đều hiểu rằng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì. Đảng và Nhà nước Việt Nam nguyện làm công bộc của nhân dân, thành tâm mong muốn đất nước mau chóng thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Có thành công, có thất bại, sai lầm. Nhưng cái đáng ghi nhận là những người cách mạng Việt Nam đã biết nhận ra những sai lầm, quyết tâm đổi mới, sửa chữa để tiến lên, xây dựng cho được mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà nước phải làm đầy tớ thật trung thành của nhân dân và nhân dân sử dụng nhà nước để làm việc cho mình, nếu nhà nước có sai lầm thì phải phê bình nhưng phê bình không có nghĩa là phỉ báng. Thử hỏi những người lớn tiếng đòi phủ định con đường phát triển của dân tộc, lúc đó họ ở đâu và làm gì? Cũng có một số người đã tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhưng họ không đủ bản lĩnh để đi hết con đường, nên bằng hình thức này hoặc hình thức khác, họ đã "trở cờ" quay lưng lại với dân tộc, để rồi hôm nay lớn tiếng đòi xét lại con đường đã chọn. Điều đó cũng không có gì lạ, bởi lịch sử thời nào chẳng có những người đi ngược con đường của dân tộc. Một số người khác đòi xét lại lịch sử về sự lựa chọn con đường, họ dùng những từ giả định đại loại kiểu "giá như", "nếu như" ở một hoặc một vài thời điểm lịch sử nào đó dân tộc Việt Nam lựa chọn con đường phát triển khác đi thì tương lai của đất nước, của dân tộc đã có thể như thế này hoặc như thế khác. Xin nói ngay rằng, lịch sử luôn là lịch sử, không bao giờ có thể là "giá như". Lịch sử không có chỗ cho những sự giả định. Cho đến thời điểm này, chắc hẳn tất cả những ai là người Việt Nam, bằng cách này hay cách khác đã từng kinh qua cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đều hiểu rõ thực chất của cái gọi là những sự "giá như" đó. Dân tộc này vẫn tiến lên phía trước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những kẻ khoác áo "dân chủ, nhân quyền" chống lại bước tiến của dân tộc này sẽ bị gạt sang một bên. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nguyên thủ của cả hai quốc gia đồng thuận nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện như tiếng chuông cảnh tỉnh nhắc nhớ cho những cá nhân, tổ chức toan tính chống phá Việt Nam rằng họ chỉ là những người lỗi thời, lạc hậu, chỉ có sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hợp tác và phát triển mới là con đường đúng đắn và tiến bộ./.
Tác giả: ANNIE PHUONG DANG, Việt kiều Mỹ
Nguồn: Tạp chí Nhân quyền